Không hiểu việc Trung Quốc có những hành động lấn lướt quá đáng đối với Việt Nam có phải là lý do chính nổ ra cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc ngày 1-7. Hay đây chỉ là cái cớ để các thành viên thuộc phái “chống nhà nước” tha hồ khuếch trương các khẩu hiệu có ý chỉ trích chính quyền. Đồng thời tự phong cho mình cái quyền đại diện cho tiếng nói người dân để hô hào lòng yêu nước.
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi tự hỏi và mãi vẫn không tìm được chỗ nào cho thấy họ đang đại diện cho nhân dân để nói những từ đại ngôn đó. Thực tế, chúng ta dễ dàng nhận ra lẫn trong hàng ngũ người biểu tình là sự xuất hiện liên tục của những gương mặt “thích biểu tình”. Luôn chăm chăm lồng ghép các nội dung chống phá Nhà nước để đạt được mục tiêu chính trị của họ. Bằng chứng là trong lần biểu tình này, các biểu ngữ chống Trung Quốc tuy nhiều, nhưng lại hết sức khiêm tốn về hình thức. Thay vào đó là sự bành trướng của các biểu ngữ kiểu: “Hãy hành động xứng đáng với tiền thuế của dân”…
Trong các mô tả này, lực lượng chức năng là “những kẻ bán nước”, còn những người bị khống chế và cách ly khỏi hoạt động biểu tình như yếu tố bất ổn tiềm tàng thường được tôn vinh như những anh hùng… Sau cùng khi cuộc biểu này kết thúc chỉ cần lướt qua hàng loạt các trang mạng, blogger… Trái với mục đích ban đầu của cuộc biểu tình là phản đối Trung Quốc, kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân, đổi lại chỉ là những dòng comment phản hồi với luận điệu đả kích chính quyền. Tới đây, hẳn chúng ta cũng nên đặt dấu chấm hỏi cho mình?
Tôi không nói hoặc chỉ trích quan điểm “bên phải hay bên trái”. Tôi chỉ thấy rằng, nếu chúng ta đánh đồng “yêu nước” là “biểu tình” thì trúng ý của bọn giặc rồi. Vì nếu đơn thuần biểu tình chống Trung Quốc thì có lẽ chính quyền đã không cấm.
Bằng chứng là trong phiên họp Quốc hội ngày 25/11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “đề nghị xây dựng Luật biểu tình, chủ trương của chính phủ khi dân bày tỏ lòng yêu nước”. Mới đây thôi, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đồng tình ủng hộ HĐND TP ra Nghị quyết phản đối Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Tuy nhiên ông cũng lưu ý việc phản đối cần đúng mực, bảo vệ chủ quyền nhưng không gây căng thẳng vì sẽ không có lợi mà cần giữ bình yên, ổn định để phát triển. Đặc biệt là không nên kích động hằn thù dân tộc. Ông ví von, cả ngàn năm nữa thì Việt Nam – Trung Quốc vẫn phải ở sát bên nhau chứ không… di dời, giải toả đi chỗ khác được. Vì vậy cần nhớ ý nghĩa lời cha ông ta đã dạy: “Bán bà con xa mua láng giềng gần!”.
Yêu nước đôi khi là những việc rất giản dị. Đó là khi mình đứng hát Quốc ca mà cảm nhận được sự thiêng liêng của lá cờ và lời ca, là giây phút thấy anh lính mắt đắm nhìn về phía biên giới, là cậu bé hồn nhiên ca ngợi Bác Hồ, là những nụ cười khi kể về đất nước mình với bạn bè thế giới…
Bạch Dương