Đầu tháng 4 năm nay, Trung Quốc làm rầm rộ ở khu vực dải đá ngầm Scarborough tại Philippines. Ba tháng sau, nội vụ đã bớt ầm ĩ, song tàu bè Trung Quốc vẫn lúc nhúc ở đó.
Đùng một cái, Trung Quốc giở quẻ gọi thầu khai thác dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam. Đâu là “diện”, đâu là “điểm” trên biển Đông nay đã rõ.
Trong chiến tranh Việt Nam, nghi binh là một đòn trí mạng. Tháng 3-1975, cả quân đoàn II lẫn Bộ tổng tham mưu và Phủ tổng thống đều không rõ đối phương sẽ tấn công vào đâu, vào Buôn Ma Thuột hay Pleiku – Kon Tum. Cuối cùng, cho rằng Buôn Ma Thuột chỉ là “diện” (trá hình bề nổi), còn Kon Tum mới là “điểm” (trọng điểm tấn công), Pleiku – Kon Tum đã được tăng cường, để trống Buôn Ma Thuột. Đến khi Buôn Ma Thuột bị vây tứ phía, mới vỡ lẽ đây mới chính là “điểm” thì đã muộn!
Hai chiếc tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động tại khu vực dải đá ngầm Scarborough hồi tháng 4 - Ảnh: Reuters
Hai chiếc tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động tại khu vực dải đá ngầm Scarborough hồi tháng 4 - Ảnh: Reuters
Cục diện biển Đông từ đầu tháng 4 đã diễn ra cũng theo kiểu nghi binh, đánh bài “ba lá”: tay trái cầm lá bài “tranh chấp đánh cá” giương ra rõ to trên dải Scarborough kèm theo lá bài “lệnh cấm đánh cá”, tay phải giấu kín lá bài “dầu khí”.
“Diện”: tranh chấp đánh cá ở dải Scarborough
Tất cả bắt đầu hôm chủ nhật 8-4 khi hải quân Philippines phát hiện “quả tang” tám tàu đánh cá Trung Quốc đang đánh cá ở dải Scarborough với đầy đủ tang vật. Đây là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines, trong khu vực đặc quyền kinh tế Philippines và gần đất liền Philippines hơn nhiều so với đảo Hải Nam.
Tuần dương hạm BRP Gregorio del Pilar của hải quân Philippines đang làm thủ tục bắt giữ các ngư dân Trung Quốc thì bị hai tàu ngư giám Trung Quốc tiến đến ngăn cản. Sang đến thứ tư 11-4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila “trái khoáy” ngoại giao ra một thông cáo “yêu cầu phía Philippines chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp của mình và rời khỏi khu vực này”.
Lẽ ra nếu muốn “khiếu nại” hay “dạy bảo” gì với “phía Philippines”, phải là cấp bộ (Bộ Ngoại giao) triệu vời đại sứ Philippines đến…, đằng này cấp sứ quán ra thông cáo “lệnh” cho “phía Phi”. Nội vụ càng ầm ĩ hơn khi cả bầy tàu Trung Quốc vây chặt chiến hạm Philippines BRP Gregorio del Pilar. Chỉ cần một cái đầu nóng, chiến sự sẽ bùng nổ! Cuối cùng, phía Philippines phải rút đi chiếc tàu chiến đang bị vây bởi cả chục chiếc tàu cá và hải giám Trung Quốc.
Sau đó, phía Philippines mới đưa tàu kiểm ngư và tàu phòng duyên tới. Lẽ ra trong một vụ tranh chấp đánh cá, liên quan đến tàu cá và dân sự, sử dụng tàu kiểm ngư là đủ rồi, đối đế lắm gọi thêm tàu cảnh sát biển để tránh cho nội vụ có “ít xít ra nhiều” biến thành xung đột quân sự!
Bên cạnh vụ tàu cá Trung Quốc ở dải Scarborough, còn ầm ĩ vụ Trung Quốc một lần nữa ban hành lệnh cấm đánh cá trên biển Đông. Nội vụ lình xình cho đến nay, lúc thì nói rút tàu ra, lúc thì nói chưa rút, không rút… inh ỏi che khuất một diễn biến khác quan trọng hơn bội phần!
“Điểm”: thôn tính dầu khí biển Đông
Chỉ hai ngày sau khi vụ Scarborough bùng nổ hôm chủ nhật 8-4, sang đến thứ ba 10-4 Bắc Kinh mở một mũi tấn công khác. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân, khi được hỏi về việc các công ty dầu khí Nga và Việt Nam vừa ký kết một hợp đồng dầu khí, đã nhắn gửi: “Các nước không liên quan đến tranh chấp nên tránh ra xa. Chúng tôi hi vọng rằng các bên liên quan nên tránh lôi kéo các nước bên ngoài khu vực can dự vào cuộc tranh chấp”.
Trước đó một tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du khi trả lời câu hỏi liên quan tới kế hoạch của ONGC Videsh trong việc thăm dò hai lô dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, cũng đã răn đe: “Chúng tôi hi vọng nước ngoài sẽ không liên can tới tranh chấp. Với những quốc gia ngoài khu vực, chúng tôi hi vọng họ sẽ tôn trọng và ủng hộ các nước trong khu vực giải quyết tranh chấp thông qua các kênh song phương”.
Muốn hay không muốn, các nước bị “nhắn gửi” cũng phải có lúc suy đi nghĩ lại. Bốn mươi ngày sau khi bị “cảnh báo”, có ý kiến từ New Delhi lộ ý muốn tháo lui: “Ấn Độ dường như định rút khỏi một lô dầu hỏa trên biển Đông…
Các viên chức ở đây đã gửi đến phía Việt Nam các kế hoạch chấm dứt hoạt động khai thác căn cứ trên những cân nhắc thương mại. Các viên chức Ấn Độ nhấn mạnh rằng lô 128 có ít triển vọng sản xuất dầu khí, cũng giống trường hợp lô 127 kế bên, mà Tập đoàn OVL (của Ấn Độ) đã trả lại Việt Nam cách đây ba năm.
Cả hai lô này đều là một phần của cuộc xung đột lớn lao hơn. Lô 128 là tâm điểm của những “sôi sục” ngoại giao giữa Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi cuộc tranh cãi về việc Ấn Độ tiến hành khoan dầu trên biển Đông vẫn chưa dẫn đến một sự đối đầu bằng tàu bè, song Ấn Độ và Trung Quốc gần đây đã có tiếng bấc tiếng chì qua lại về việc này” (1).
Không chỉ Nga và Ấn Độ bị cảnh báo, một công ty thuộc một nước khác cũng bị nhắc nhở, thậm chí bằng con đường chính thức. Tác giả Sandeep Dikshit cho biết: “Một công ty khảo sát thăm dò tại khu vực này cho Tập đoàn OVL, trụ sở tại Hà Lan, đã bị sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Hà Lan triệu đến và bảo dừng hoạt động. Song được Việt Nam hậu thuẫn, OVL đã thuyết phục công ty này tiếp tục công việc thăm dò khảo sát”.
Trên bề mặt, lý do viện dẫn là các “cân nhắc thương mại” mà định rút lui vì e rằng không bõ công khai thác, song trong bề sâu là vì lý do gì có lẽ không khó đoán ra. Đây mới chính là mục tiêu tìm kiếm của Bắc Kinh khi liên tiếp đưa ra những dọa dẫm như vậy. Tất nhiên, những vụ “suy đi tính lại” này đã không gây ồn ào dư luận cho bằng vụ suýt – đả – lôi – đài ở dải Scarborough.
Sau chiêu cảnh cáo không “ngoại giao” cho lắm, Bắc Kinh đổi võ, tung ra chiêu gọi thầu chín lô trên biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu mà Bắc Kinh tìm kiếm còn độc địa hơn chiêu cảnh cáo: khiến thiên hạ thêm xiêu lòng mà “bỏ con tép bắt con tôm”.
Một tờ báo Nga bình luận: “Việc Trung Quốc gọi thầu có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng vụ căng thẳng này còn có thể dẫn đến hậu quả là làm xấu đi quan hệ giữa Trung Quốc và Gazprom. Một khi Gazprom bị Trung Quốc ép bỏ dự án (với Việt Nam), một số nhà phân tích cho rằng rời bỏ Việt Nam sẽ là khôn ngoan hơn là mất những hợp đồng lắm tiền cung cấp khí đốt cho Trung Quốc” (2).
Những bước đi trên của Bắc Kinh phản ánh những tính toán kế hoạch từng bước, từng bước giở những chiêu gì. Nghi binh ầm ĩ vụ tranh chấp đánh cá ở Scarborough một mặt để che lấp những động tác thôn tính dầu khí trên biển Đông, một mặt qua đó khiến các nước phải e dè Trung Quốc giở vũ lực như đang sẵn sàng giở ra với Philippines… cho dù rằng trong thực tế Trung Quốc cũng ngại phần nào việc Philippines có chung với Mỹ một hiệp ước phòng thủ hỗ tương, không rõ chọc giận Mỹ, Mỹ sẽ có nổi đóa không.
***
Cho cả hai trường hợp “diện” và “điểm”, Trung Quốc đều tính toán rằng cứ lấn tới cùng, đố ai dám động binh! Có vẻ như Trung Quốc đang tự tin vào khả năng “lấy thịt đè người”. Thế nhưng, có một điều mà Trung Quốc tối kỵ là đưa nội vụ ra trước tòa án quốc tế. Cho dù Trung Quốc sẽ không ra, song cũng đủ để “làm Trung Quốc mất mặt vì làm lơ hệ thống pháp lý quốc tế và bác bỏ việc giải quyết tranh chấp qua các phương tiện pháp lý” như lý giải của Dịch Bình – giảng viên Học viện Pháp luật thuộc Trường ĐH Bắc Kinh (3).
DANH ĐỨC (TTCT)
 
Top