Tham nhũng sẽ không có “đất sống” khi người ta quyết tâm loại bỏ nó ra khỏi đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở mọi quốc gia.

Tham nhũng sẽ không có “đất sống” khi người ta quyết tâm loại bỏ nó ra khỏi đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở mọi quốc gia.


Liên tục trong 2 ngày cuối tháng 6 vừa qua, thông tin cho thấy, tệ nạn tham nhũng xảy ra ở không ít quốc gia đang chịu sự tấn công mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong nước và cả tổ chức quốc tế. Tham nhũng đang trở thành “quốc nạn” ở nhiều quốc gia và chống tham nhũng cũng bởi thế đang trở thành một cuộc chiến khốc liệt.


Thông tin đầu tiên liên quan đến Bangladesh, một quốc gia Nam Á nghèo khổ. Ngày 30/6, trong một tuyên bố chính thức, WB đã quyết định hủy bỏ khoản vay trị giá 1,2 tỷ USD dành cho một dự án xây cầu tại Bangladesh vì có các dấu hiệu tham nhũng. Sự tham nhũng mà thể chế tài chính đa phương này cáo buộc có liên quan đến một công ty xây dựng của Canada trong dự án phát triển hạ tầng giao thông và họ khẳng định có những bằng chứng thuyết phục cho thấy các quan chức Bangladesh có dính líu.


Còn thông tin thứ hai liên quan đến quốc gia Đông Bắc Á với nền kinh tế tương đối phát triển là Hàn Quốc. Ngày 29/6, Viện Kiểm sát Hàn Quốc cho biết sẽ triệu tập ông Lee Sang-deuk, anh trai của Tổng thống đương nhiệm Lee Myung-bak, vào ngày 3/7, để điều tra về những nghi ngờ liên quan đến việc nhận hối lộ từ Chủ tịch Ngân hàng tiết kiệm Solomon Lim Seok.


Trước đó, Chủ tịch Lim tiết lộ đã đưa một khoản tiền cho ông Lee Sang-deuk để tiến hành vận động hành lang vào thời điểm chính quyền đương nhiệm mới bắt đầu năm 2008. Đây không phải là những thông tin gây sốc vì nó vốn không hề ít ở cả hai quốc gia này.


Là một quốc gia nghèo khó, Bangladesh từng nhiều năm bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát chống tham nhũng, xếp vào hạng một trong những quốc gia có nạn tham nhũng hoành hành mạnh nhất trên thế giới. Đã có người đánh giá về quốc gia Nam Á này rằng, nạn tham nhũng đã ăn sâu trong văn hóa lãnh đạo và điều hành đất nước. Những thù hằn cá nhân, tệ lạm dụng quyền hành để trục lợi cá nhân đã trở thành lực cản quá lớn khiến cho đất nước không thể thoát khỏi cảnh đói nghèo.


Từ những thực tế đó, cuộc chiến chống tham nhũng ở Bangladesh đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều quan chức cấp cao của Bangladesh cũng đã từng bị trừng phạt nghiêm khắc với những bản án khá nặng. Gần đây nhất, vào năm 2007, hàng trăm người, phần lớn là chính khách gồm các lãnh đạo và quan chức cao cấp, kể cả cựu Thủ tướng Khaleda Zia và các con trai bà, đã bị bắt giam trong cuộc chiến chống tham nhũng.


Cuộc chiến chống tham nhũng ở Bangladesh cũng đã từng làm lung lay tận gốc các đảng phái chính trị lớn nhất nước này. Vào năm 2010, Bangladesh đã thành lập Ủy Ban Chống Tham Nhũng độc lập đầu tiên. Ủy ban này đã thay thế cho một đơn vị cấp phòng trực thuộc chính phủ. Chính phủ Bangladesh sau đó đã cam kết không can thiệp vào hoạt động của Ủy ban độc lập chống tham nhũng. Tuy nhiên, với tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp, nạn tham nhũng ở Bangladesh vẫn đang là một tệ nạn nghiêm trọng và cuộc chiến chống tham nhũng ở quốc gia này vẫn là cả một chặng đường dài không ít cam go.


Ở Hàn Quốc cũng vậy, những vụ tham nhũng lớn nhỏ bị đưa ra công lý là không ít, thế nhưng tệ nạn này chưa vì thế mà bị đẩy lùi. Cuộc chiến chống tham nhũng ở Hàn Quốc đã từng được đẩy lên khá cao từ năm 2002, khi một Hội đồng độc lập chống tham nhũng được thành lập. Vào những năm cuối của thế kỷ trước, ở Hàn Quốc, tham nhũng và cấu kết giữa các tập đoàn lớn với chính quyền trở nên rất nghiêm trọng. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng tại những tập đoàn lớn trở nên phổ biến, kìm hãm mọi hoạt động… đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998. Bài học đắt giá đó đã thức tỉnh mọi người. Từ các đảng phái chính trị đến người dân Hàn Quốc đều thể hiện tinh thần quyết tâm chống tham nhũng một cách toàn diện.


Hàn Quốc đã tuyên bố cuộc chiến chống tham nhũng trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội và của mỗi người. Hội đồng độc lập chống tham nhũng đã được toàn thể xã hội hưởng ứng, kiến nghị đưa ra các cải cách, sửa đổi tổ chức, sửa luật pháp, đối thoại... để ngăn chặn tham nhũng. Ngay những tháng đầu năm nay, Cơ quan chống tham nhũng Hàn Quốc cho biết sẽ đẩy mạnh các nỗ lực nhằm xử lý nạn tham nhũng trong công chức và lấy lại niềm tin của người dân.


Và như thế, những hành vi tham nhũng dù ở quốc gia nào, với hình thức nào, nhằm mục tiêu vận động chính trị hay đơn giản là sự “xà xẻo” vật chất thuần túy từ các dự án, công trình xây dựng công dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng… đã, đang và chắc chắn sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với pháp lý. Tham nhũng sẽ không có “đất sống” khi người ta quyết tâm loại bỏ nó ra khỏi đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở mọi quốc gia..


TheoVOV

 
Top