Chính phủ cho biết sẽ bổ sung quy định về công khai việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức tại nơi cư trú thay vì chỉ công khai tại đơn vị công tác.
Lạm dụng “bí mật”
Trong báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng (2006 – 2010) vừa gửi tới ĐBQH, Chính phủ đã chỉ ra rằng có những hạn chế trong việc thực thi luật, đó là công khai, dân chủ trên một số mặt còn nhiều hạn chế. Vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại 23.522 cơ quan, đơn vị, đã phát hiện và xử lý 1.704 cơ quan, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động.
Liên quan đến giải pháp phòng ngừa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2007 về minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, theo báo cáo, trong vài năm đầu, việc thực hiện chưa đồng đều, có nơi triển khai thực hiện chậm, có nơi gặp khó khăn, vướng mắc do nhận thức của các cấp, các ngành chưa nhất quán, chưa thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Do đó, việc kê khai, minh bạch tài sản “còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp”, như việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, kết quả kê khai chưa được công khai, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn.
Tội nặng, án nhẹ
Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận “công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn những hạn chế, yếu kém”, thể hiện ở hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao. “Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và chủ yếu là đối tượng trực tiếp thực hiện; số vụ việc, vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn chiếm tỷ lệ cao, tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế…”, báo cáo nêu.
Chính phủ đã đề ra một số giải pháp để khắc phục những tồn tại trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua và thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ này trong giai đoạn tới. Trong đó, ngoài việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xóa bỏ cơ chế xin – cho trong các lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng – ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước… Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện các quy định liên quan về phòng ngừa tham nhũng, như quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý thông qua việc mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn.
Đồng thời, sẽ bổ sung quy định về việc công khai tại nơi cư trú đối với bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; Quy định việc cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn.
Xem xét vấn đề người đưa hối lộ
Chính phủ cho hay sẽ bổ sung quy định về việc trong một số trường hợp cụ thể sẽ xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo khi chưa bị phát hiện và trong một thời hạn nhất định kể từ khi đưa hối lộ. Đồng thời, quy định việc điều động khỏi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn để xem xét giải quyết tố cáo hoặc khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Báo cáo việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, Chính phủ cho biết trong 5 năm qua, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp. Một số tỉnh, thành phố xử lý nhiều người đứng đầu là: Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đắk Lắk (38 người), Cao Bằng (31 người)…
Theo TNO