Xăng giảm dù chỉ nhỏ giọt nhưng cũng sẽ xoa dịu được phần nào sự ca thán của người dân cũng như doanh nghiệp khi giá điện tăng. Đây có phải là mong muốn mà cơ quan điều hành giá muốn hướng tới?

So với những thời điểm “nhè” vào những lúc nhạy cảm nhất mà điện và xăng cùng “rủ nhau” tăng giá, như thời điểm đầu năm 2010, thì động thái xăng giảm giá vừa qua như muốn “dọn đường” cho điện tăng có lẽ là bước tiến đầy tích cực trong công tác điều hành giá.

Song, bước tiến này chắc rằng sẽ là tích cực hơn nếu việc tăng và giảm “thực lòng” hơn nữa trong ứng xử với người dân cũng như với doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Tất nhiên, về danh nghĩa, thì giá xăng giảm theo thị trường thế giới, còn giá điện thì tăng, là theo lộ trình lựa chọn đến thời điểm thích hợp phải tăng, chứ đâu phải điện tăng vì xăng giảm, hay xăng giảm để cho điện tăng!

Nhưng trên thực tế, giá xăng giảm hôm 21/6 vừa qua, lẽ ra có thể giảm được nhiều hơn, song lại kéo dài ra đến 2/7 mới giảm nhỏ giọt thêm lần nữa. Và giữa hai lần giảm giá của xăng, cũng dường như để “chốt” lại đợt giảm liên tục của xăng, điện tăng giá.

Thay vì giảm cả “cục” hơn 3.000 đồng, xăng giảm tí tách vài trăm đồng cho một lần giảm và chắc chắn khi nhắc đến, lãnh đạo Bộ Tài chính thể nào cũng “kể công” kiểu như điều hành giá phải vì trên 80 triệu dân, như với giá xăng trong thời gian qua, khi giá thế giới giảm thì giá xăng trong nước cũng đã liên tục giảm...

Và giống như là một sự “thưởng công” cho động thái giảm tí tách, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn chính thức trao lại quyền quyết định giá xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối, sau hơn hai năm tạm giữ quyền này. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được thực hiện quyền quyết định giá, tần suất điều chỉnh giá. Giá xăng dầu trong nước sẽ được điều hành theo đúng cơ chế thị trường.

Ngay sau sự “thưởng công” này đã dấy lên những ý kiến lo ngại trong dư luận rằng có cần phải vội vàng như vậy không trong việc “chăm lo” đến vậy cho lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu?

Như vậy là xăng dù đã trải qua liên tiếp 5 lần giảm chỉ trong vòng 3 tháng, nhưng “nỗi đau” về giá xăng đối với người dân sẽ khó mà nguôi ngoai khi mà nó có thể tăng lại vào bất cứ lúc nào theo quy luật “đi nhanh về chậm”, nhất là khi doanh nghiệp được “nắm quyền” trở lại và kinh doanh mặt hàng xăng dầu chưa thực sự minh bạch vì độc quyền mà bản thân Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực này là Bộ trưởng Công Thương, đã phải nhận trước Quốc hội là “chúng tôi làm chưa hết trách nhiệm”.

Đối với điện thì giá điện phải tăng, đương nhiên là thực tế khó cưỡng khi mà Nhà nước phải “nai lưng” ra từ năm này sang năm khác bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng cho giá điện. Giá điện tăng lại “trúng” lúc mà CPI đang âm, thì có cơ hội nào là thích hợp hơn thế. Nhưng, nhìn vào mức CPI giảm, để tăng giá điện, theo nhiều ý kiến, là chỉ nhìn thấy “lửa” mà không thấy “khói”, nên tưởng là hợp lý mà lại hóa ra không.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Cao Sỹ Kiêm nhận xét rằng: “Lạm phát giảm không phải là tín hiệu hoàn toàn tích cực, bởi đó còn là dấu hiệu mà cả nền kinh tế chuẩn bị vào giai đoạn đóng băng. Mà giá điện tăng, thì chẳng khác nào động thái dội thêm gáo nước cho nền kinh tế càng thêm lạnh lẽo”.

“Thảm cảnh” doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, giải thể ồn ào trong dư luận thời gian qua cũng không khiến ngành điện “động lòng” mà vẫn cố tăng giá, có lẽ là cách ứng xử không “đẹp” lắm chăng?”, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Ngọc Vinh băn khoăn.

Theo ông Vinh, ngành điện không chịu lùi, thì không chỉ giáng thêm đòn chí mạng vào sự sống vốn đang rất thoi thóp của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Thực tế, trong công bố tăng giá điện lần này, các cơ quan liên quan không thấy đưa ra thông tin khi tăng giá thì sẽ ảnh hưởng đến CPI và GDP là bao nhiêu, trong khi, gần như lần công bố tăng giá điện nào, cũng có công bố thông tin như vậy kèm theo.

Như hồi tháng 2/2010, khi tuyên bố tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đồng thời cho biết với mức tăng đó, sẽ làm giảm 0,34% GDP. Nay, thay vì tính toán nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng ra sao, chỉ thấy Tập đoàn điện lực Việt Nam tính toán sẽ tăng doanh thu bán điện sáu tháng cuối năm thêm 3.710 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nếu gạt mọi lý do đó ra, nên xem việc tăng giá điện là quyết định không thể chần chừ, vì khi lạm phát tăng không cho tăng giá, giờ lạm phát giảm cũng không cho tăng giá, thì bao giờ lộ trình đưa giá điện theo cơ chế thị trường mới có thể thực hiện.

Mặt khác, quyết định tăng giá của điện cũng có thể coi là cách ứng xử không hợp lẽ, khi mà đòi hỏi của dư luận với ngành điện phải minh bạch mới được tăng giá, không biết bao giờ mới được đáp ứng. Chỉ một câu chuyện tưởng như đã “hai năm rõ mười” là cựu Chủ tịch của Tập đoàn Điện lực bị thôi chức vì để Tập đoàn này làm ăn thua lỗ, nhưng việc xử lý trách nhiệm người này thế nào, đến nay vẫn chưa rõ.

Và giờ, điện đã lại tăng được giá rồi, bao giờ thì giá xăng mới lại phải giảm nữa hay có “cần” phải giảm giá nữa?
 
Top