Là một ngôi sao đúng nghĩa, một nhà vô địch thế giới, và từng bước lên đỉnh cao với danh hiệu Quả bóng vàng năm 2007. Thế nhưng, ở Bernabeu, Kaka chưa bao giờ thể hiện được tiếng nói vì nhiều lý do khác nhau, và ngôi sao 30 tuổi người Brazil hệt như một “đống vàng” làm đẹp cho băng ghế dự bị của Real.
1%20%289%29 Kaka: “Đống vàng” trên ghế dự bị
Kaka – Đống vàng trên băng ghế dự bị của Real – Ảnh: Getty
Một thực tế không thể phủ nhận là Kaka góp phần rất đáng kể vào việc Real liên tiếp dẫn đầu thế giới về khoản kiếm tiền. Đẹp trai, tài năng, vợ giỏi, con ngoan, Kaka là một trong số hiếm các cầu thủ Brazil sống đầy mẫu mực cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Ngay khi cập bến Bernabeu, Kaka đã góp phần biến chiếc áo số 8 của Real thành hàng hot với lượng tiêu thụ cực cao.
Tuy nhiên, bóng đá không phải cuộc chạy đua xem đội nào bán được nhiều áo hơn, cũng không phải đua tranh về mặt thu nhập mỗi năm. Thành công trên sân cỏ mới là mục đích chính mà các CLB hướng tới, và từ đó làm tăng thêm giá trị hình ảnh.
Điều đó cũng có nghĩa, Real đã thất bại hoàn toàn về mặt chuyên môn trong thương vụ Kaka, người hiện được ví von là chiếc móc áo di động siêu sang. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, những đóng góp của tiền vệ người Brazil trên sân cỏ tỉ lệ nghịch với việc anh là ngôi sao trong các cửa hàng lưu niệm.
Bài toán kinh tế
Kaka không chiếm được tình cảm của Mourinho, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng không có nghĩa là Mou ghét bỏ anh. Việc Kaka không thể chiếm một vị trí chính thức trong đội hình Real bắt nguồn từ chính bản thân ngôi sao 30 tuổi này. Trong mùa giải đầu tiên đến Madrid, dưới sự dẫn dắt của HLV Pellegrini, Kaka đã không thể hiện được phong độ như thời gian thi đấu cùng Milan.
Chấn thương là rào cản lớn nhất đối với Quả bóng vàng châu Âu 2007. Thời gian dành cho những chuyến ghé thăm bác sĩ quá nhiều đã đánh cướp cảm giác bóng của Kaka, cũng như khiến tâm lý của anh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ về điều tồi tệ nhất.
Khi Mou đang rất thành công với bộ tứ Di Maria – Oezil – Ronaldo – Benzema, những người vừa góp công lớn trong việc thiếp lập kỷ lục về bàn thắng ở La Liga (121), nhà cầm quân người Bồ có lý do để không sử dụng Kaka. Không có vị trí chính thức, “số 8” đang dát vàng lên băng ghế dự bị của Real.
Trước hết, về khoản phí chuyển nhượng, Real đã phải chi 64,5 triệu euro cho Milan và 2,7 triệu khác cho Sao Paulo để có được Kaka. Theo hợp đồng có thời hạn 6 năm, mức lương dành cho anh là 10 triệu euro sau khi đã trừ thuế thu nhập cá nhân. Trong 3 mùa giải qua, Kaka đã làm được những gì? 93 trận và 24 bàn thắng ở các mặt trận (chỉ đá 58% số trận Liga), những con số rõ ràng không tương xứng với mức chuyển nhượng cao chót vót.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Trong hai mùa giải đầu tiên, ngoài 20 triệu euro tiền lương, Real còn thanh toán 4,6 triệu euro tiền thuế thu nhập, nhờ hiệu lực của “luật Beckham” (các cầu thủ ngoại thi đấu ở Tây Ban Nha chỉ phải nộp thuế 23%). Trong mùa giải vừa kết thúc cách đây 2 tháng, “luật Beckham” hết hiệu lực, và mức thuế của Kaka là 52% (mức dành cho những người có thu nhập từ 300.001 euro trở lên; một số vùng tự trị có thể đẩy lên cao hơn, tới 56%). Như vậy, Real vừa phải thay Kaka trả thuế 5,2 triệu euro trong mùa giải qua. Cho đến nay, chi phí lương và thuế của Kaka mà Real gánh trong 3 mùa giải đã xấp xỉ 50 triệu euro.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Kaka quyết tâm ở lại Bernabeu cho đến khi kết thúc hợp đồng, tức thêm 3 mùa giải nữa? Trong trường hợp ấy (và nếu Kaka vẫn chỉ dự bị), Real sẽ phải đối mặt với một bài toán kinh tế khó khăn. Cụ thể, Real phải chi thêm 30 triệu euro tiền lương cho Kaka, và nộp thuế thu nhập 15,6 triệu. Mặc dù Real có quyền tự hào về doanh thu luôn lãi trong các năm gần đây, nhưng trường hợp Kaka rõ ràng là một gánh nặng với đội bóng Hoàng gia.
Cách tốt nhất là thuyết phục Kaka ra đi. Nhưng từ Italia, Berlusconi khẳng định Milan chỉ chấp nhận chào đón Kaka nếu anh giảm 1/2 mức lương.
Theo TTVH
 
Top