Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đã hy sinh, hàng ngàn đồng chí đã bị thương trong khi làm nhiệm vụ để lại trong lòng nhân dân sự tin yêu, cảm phục. Những thành tích, cống hiến của lực lượng Cảnh sát nhân dân đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý…
Những chiến sĩ Công an tiêu biểu, những điển hình tiên tiến xuất sắc của lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tụ hội về Thủ đô Hà Nội để giao lưu trong chương trình “Giữ trọn lời thề” tổ chức chiều 3/7 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát nhân dân.
Tới dự, có Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướngĐặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các Tổng cục, Bộ Tư lệnh và Công an các địa phương… Đặc biệt có 137 đại biểu ưu tú của lực lượng Cảnh sát nhân dân với những chiến công xuất sắc trên các mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm và giữ gìn TTATXH.
Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố pháp lệnh về lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và từ đây, ngày 20-7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của lực lượng CSND. 50 năm qua, lực lượng CSND đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điển hình tiên tiến mở đầu buổi giao lưu là Đại tá Nông Văn Định, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn. Đại tá Định bộc bạch: “Có thời kỳ ở Lạng Sơn có nhiều tội phạm sử dụng vũ khí nóng. Khi biên giới mở cửa cũng là lúc tình hình tội phạm phức tạp. Chứng kiến những bất hạnh của người dân, là một chiến sĩ Cảnh sát hình sự tôi luôn đau đáu trong lòng…”. 10 năm qua, Đại tá Nông Văn Định được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng VTND, cùng đồng đội băng qua mọi khó khăn gian khổ, đưa Lạng Sơn từ một địa bàn phức tạp về ANTT, được loại khỏi diện 16 tỉnh trọng điểm…
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Bắc Giang đã khiến cả hội trường nín thở dõi theo lời anh kể về vụ truy bắt tên Lê Văn Luyện, thủ phạm vụ giết cướp tại hiệu vàng Ngọc Bích tại phố Sàn (Lục Ngạn, Bắc Giang). Là người chỉ huy lực lượng điều tra án hình sự với 100% số vụ trọng án được khám phá trong những năm qua, anh Hùng ấn tượng đặc biệt với vụ Lê Văn Luyện sau những ngày quên ăn quên ngủ và căng thẳng tột độ. Vốn là một “nhà” điều tra nhạy cảm, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng đớn đau chia sẻ: “Những trẻ em sớm bỏ học, bỏ nhà đi làm xa sẽ dẫn tới tội phạm nghiêm trọng, gây ra nỗi đau cho xã hội…”.
Với Thượng tá Phùng Anh Hoàn, Trưởng phòng PC65 Công an tỉnh Hải Dương kể về sáng kiến của anh khi tham gia một vụ giải phóng mặt bằng. Khi anh đi xuống thực địa, lắng nghe chủ hộ bị cưỡng chế trình bày ý kiến, Thượng tá Hoàn đã tham mưu cho cấp trên không nên thực hiện việc cưỡng chế, vừa tốn kém tiền, vừa thiệt hại cho dân. Anh đã đưa ra phương án và được ủng hộ. Người chủ hộ bị cưỡng chế là một thương binh 4/4 đã vui vẻ tự tháo dỡ công trình và còn cảm ơn lãnh đạo đã vì dân…
Thượng tá Bùi Thanh Bé, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang chia sẻ về nghề Cảnh sát trại giam. “Tôi nghĩ trong công tác cải tạo phạm nhân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ, thực hiện đúng chế độ chính sách đối với phạm nhân và phải có… tình người”. Nhiều đối tượng chống đối, ngoan cố không chịu khai báo nhưng anh đã cảm hóa để họ nhận rõ lỗi lầm, tích cực cải tạo để sớm trở về với cộng đồng. Anh đã cảm hóa giáo dục hơn 5.000 lượt can phạm nhân cải tạo tốt trở về cộng đồng không tái phạm. Đó là một hành trình gian khổ, có đối tượng tuyên bố “bất cần đời, bất cần gia đình, muốn giết can phạm khác để được kết án tử hình”. Bằng tấm lòng nhân hậu và nghiệp vụ vững vàng, anh đã đề ra kế hoạch giúp đỡ, kiên trì giáo dục, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần, cuối cùng đã thành công…
Phát biểu tại buổi giao lưu, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nêu rõ: Ra đời trong bão táp cách mạng tháng Tám năm 1945, từ đó đến nay trải qua các giai đoạn cách mạng, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, không nề thử thách, hy sinh, lực lượng CAND nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng luôn một lòng một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội đã xuất hiện hàng ngàn, hàng vạn tấm gương cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nêu cao tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” ngày đêm tận tụy, không quản ngại khó khăn gian khổ, dũng cảm chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đã hy sinh, hàng ngàn đồng chí đã bị thương trong khi làm nhiệm vụ để lại trong lòng nhân dân sự tin yêu, cảm phục. Những thành tích, cống hiến của lực lượng Cảnh sát nhân dân đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý…
Trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đang đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi lực lượng CAND nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng cần ra sức phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với phong trào “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”… xây dựng lực lượng CAND cách mạng, trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Các gương điển hình tiên tiến hôm nay tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, nỗ lực phấn đấu hơn nữa xứng đáng với sự tôn vinh của toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân.
Kết thúc buổi giao lưu, 137 gương mặt tiêu biểu đã được Bộ trưởng Trần Đại Quang và lãnh đạo Bộ Công an trao thưởng
Kim Quý – Hiền Thanh
(CAND)
(CAND)