Hàng trăm lao động phổ thông Trung Quốc làm việc ở Bình Phước đã phải rời Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, phó trưởng thường trực của ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Bình Phước, nói với BBC hôm thứ Sáu 13/8 rằng đây là các công nhân hợp đồng của công ty TNHH lắp đặt thiết bị công nghiệp Fujan (Phúc Kiến).
Công ty này đang thực hiện công trình xây dựng cho dự án Nhà máy chế biến gỗ Dongwha tại khu công nghiệp Minh Hưng III ở huyện Chơn Thành.
Theo nhiều nguồn tin, các công nhân này đã được công ty Trung Quốc đưa vào làm việc từ tháng 3/2011.
Sau khi kiểm tra, cơ quan quản lý của Việt Nam phát hiện khoảng 200 người Trung Quốc không có tay nghề.
Tuy nhiên, theo ông Dũng giới chức Việt Nam đã tạo điều kiện cho các công nhân này làm việc hết hạn hợp đồng rồi mới yêu cầu họ về nước.
Ông nói: "Tới nay, toàn bộ số họ đã rời Việt Nam. Lao động nước ngoài còn lại ở Bình Phước hiện nay rất ít."
Ông Nguyễn Văn Dũng cũng khẳng định chính quyền chủ trương không thuê mướn lao động ngoại không có tay nghề, để dành công ăn việc làm cho lao động trong nước.
Lao động Trung Quốc tràn lan
Báo chí Việt Nam gần đây nói nhiều về tình trạng công nhân Trung Quốc, nhiều người là lao động phổ thông, đang sinh sống và làm việc tại nhiều đị́a phương trong nước.
Mới nhất, báo Tuổi Trẻ cáo giác tại công trình xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tuy Phong, Bình Thuận), bốn nhà thầu Trung Quốc đang sử dụng 239 lao động nước ngoài, chủ yếu người Trung Quốc, trong đó 65 người không có phép.
Các công trình xây dựng nhà máy, đa phần trong lĩnh vực năng lượng, nơi có nhà thầu Trung Quốc là địa bàn đông lao động nước này vì các nhà thầu thường mang công nhân của họ vào theo dự án.
Năm ngoái, dư luận rộ lên bức xúc khi có tin hàng nghìn người Trung Quốc làm việc "chui" ở Cà Mau.
Hồi tháng 6/2012, báo chí phát giác có hàng nghìn người Trung Quốc làm việc trên công trường nhà máy nhiệt điện Hải Phòng ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên.
Các báo cũng nói công nhân Việt Nam làm trong công trình này bị nhà thầu Trung Quốc phân biệt đối xử so với công nhân đến từ nước họ, chẳng hạn như được trả lương thấp hơn nhiều lần trong cùng một công việc.