Chiều 22-6, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ sát hại nhà báo Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động). Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm do hung thủ chính là vợ của nạn nhân và nghi vấn về sự xúi giục, tham gia của đồng phạm trong vụ án.
Trần Thúy Liễu bị dẫn giải vào tòa.
Không có cơ sở giảm án

Vẫn nước mắt lã chã tuôn rơi trong suốt phiên xử như ở phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Trần Thúy Liễu (SN 1971, vợ nhà báo Hoàng Hùng, ngụ TP Tân An tỉnh Long An) khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết. Bị cáo khai có quan hệ tình cảm nam nữ với ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên Đội trưởng Đội QLTT số 5, Chi cục Quản lý thị trường Long An) nên bị nhà báo Hoàng Hùng đánh đập. Thêm vào đó, bị cáo thường sang Campuchia đánh bạc dẫn đến nợ nần nên tình cảm gia đình ngày càng rạn nứt.

Do vậy bị cáo nảy sinh ý định đốt chồng. Khoảng 1 giờ sáng 19-1-2011, khi chồng ngủ say, bị cáo ném bịch xăng và tờ báo đang cháy vào giường ngủ của chồng rồi bỏ về phòng. Vì vết bỏng quá nặng, ngày 29-1-2011 anh Hùng tử vong. Đến ngày 20-2-2011, bị cáo đến Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Long An đầu thú.

Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử về lý do kháng cáo, bị cáo Liễu cho biết mức án tù chung thân về tội “Giết người” mà TAND tỉnh Long An tuyên quá nặng vì bị cáo không có chủ định đốt chết chồng, bị cáo xin được hưởng án tù có thời hạn để sớm về với các con. Được nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử vào nghị án, bị cáo nức nở khóc với mẹ chồng: “Má ơi, cho con xin lỗi vì việc làm thiếu suy nghĩ. Mong má thương con, tha lỗi cho con, xin cho con được giảm án để con về sớm. Con nhớ con của con lắm, má ơi”.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, lời khai nhận tội tại phiên tòa phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ cho thấy mâu thuẫn trong cuộc sống chung giữa hai vợ chồng xuất phát từ việc thiếu nợ hơn 1 tỷ đồng xây nhà và bị cáo đánh bạc, từ quan hệ bất chính của bị cáo Liễu với người đàn ông khác, bị cáo kêu chồng bán nhà nhưng anh Hùng không đồng ý dẫn đến cãi vã. Do vậy bị cáo đã đốt chồng.

Các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo tự thú, thành khẩn khai báo, đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt… đều đã được tòa án cấp sơ thẩm xem xét nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Liễu.Từ đó, hội đồng xét xử quyết định bác kháng cáo xin được giảm án, tuyên y án tù chung thân đối với bị cáo Liễu về tội “Giết người”.
Bà Nguyễn Thị Kim Nga chờ nghe tuyên án.

“Khoảng mờ” đồng phạm

Trong vụ án này, điều mà dư luận đặc biệt quan tâm là bị cáo Liễu sát hại chồng có đồng phạm hay không. Trước vành móng ngựa, một lần nữa bị cáo Liễu khẳng định thực hiện hành vi tội phạm một mình, không hỏi ý kiến ai và cũng không có ai giúp sức. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Kim Nga, hai luật sư Nguyễn Văn Bảy (Đoàn luật sư tỉnh Long An) và Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông) nêu một số tình tiết cho thấy cấp sơ thẩm nhận định bị cáo Liễu một mình thực hiện hành vi phạm tội là chưa đảm bảo tính toàn diện, khách quan của vụ án. Cụ thể, việc lập biên bản mở băng ghi âm lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng trước khi chết chưa đầy đủ, thiếu chính xác để từ đó cho rằng lời sinh cung này không liên quan đến vụ án, là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Sự thiếu chính xác này thể hiện qua sự chênh lệch về số trang (Biên bản mở băng ghi âm của cơ quan điều tra và Viện KSND tỉnh Long An là 5 trang giấy A4 viết tay, trong khi mở từ băng ghi âm gốc là gần 12 trang giấy A4 đánh máy, size chữ 12); một số lời khai của nạn nhân không thấy thể hiện trong biên bản mở băng, ngược lại một số nội dung trong biên bản mở băng lại không có trong những file mà các luật sư tiếp cận.

Một điểm khác được nêu ra là việc thực nghiệm điều tra chưa tôn trọng sự thật khách quan. Lần thực nghiệm thứ nhất vào ngày 15-4-2011, cơ quan điều tra đã để bị cáo thực nghiệm vào buổi sáng, trên nền xi măng trong khi thời điểm diễn ra vụ án là buổi tối. Lần thực nghiệm thứ hai vào ngày 20-9-2011 vẫn không phù hợp với hiện trường vụ án. Nơi xảy ra vụ cháy theo biên bản hiện trường là trên chiếc giường hộp cao 38cm, có tấm nệm dày 10cm, phía trên có giăng một cái mùng Thái loại dày; nhưng khi thực nghiệm thì lại diễn ra trên nền gạch.

Việc bị cáo Liễu diễn lại động tác ném xăng, đốt chồng trên nền gạch có giăng mùng mà không phải như hiện trường vụ cháy đã không đáp ứng được nguyên tắc của thực nghiệm điều tra. Hơn nữa, độ nảy của bịch xăng khi rơi xuống nền gạch khác xa với khi rơi xuống tấm nệm, dẫn đến mức độ xăng văng ra ngoài cũng khác nhau.

Mặt khác, tại hiện trường có hai điểm cháy, nhưng khi tiến hành thực nghiệm thì tờ báo (dùng làm mồi lửa) lại không có lửa. Như vậy, khả năng một mồi lửa tạo ra hai điểm cháy – từ đó cho rằng bị cáo Liễu không có đồng phạm giúp sức cũng chỉ là lời suy đoán của các cơ quan tố tụng, chứ không được chứng minh trên thực tế.
Trần Thúy Liễu nghe tuyên án.

Thế nhưng, những điểm nêu trên đã không được chấp nhận. Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Liễu tự mình thực hiện hành vi phạm tội, không có ai xúi giục hay tham gia. Việc điều tra, truy tố, xét xử của cấp sơ thẩm là đúng pháp luật, nếu đại diện hợp pháp của người bị hại có chứng cứ về đồng phạm của bị cáo Liễu trong vụ án này thì đề nghị cung cấp cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra làm rõ.

Bà Nguyễn Thị Kim Nga (mẹ nhà báo Hoàng Hùng, tham dự phiên tòa với tư cách đại diện hợp pháp cho người bị hại) cho rằng: “Con dâu tôi không thể một mình làm chuyện này, các cơ quan pháp luật đã làm sơ sài, bỏ lọt người khác”. Bà Nga kháng cáo đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu.


ÁI CHÂN
 
Top