Tàu hải giám Trung Quốc

Đã 3 năm kể từ ngày Trung Quốc thất bại trong nỗ lực yêu cầu tàu USNS Impeccable của Mỹ rời khỏi khu vực biển Đông.
 Đây không phải là lần đầu, cũng không phải lần cuối, các tàu Trung Quốc có hành động “bất lịch sự” trên vùng biển quốc tế. Vậy mà giờ đây, Trung Quốc đang không ngừng phát triển Hải giảm, lực lượng tàu khoác áo dân sự tham gia vào các vụ tranh chấp trên biển.
Ba tuần trước Bộ ngoại giao Philippines đã bày tỏ “sự lo lắng sâu sắc” của mình tới Đại sứ quán Trung Quốc sau khi một hạm đội tàu Trung Quốc được cử đến khu vực bãi đá Scarborough và đe doạ các tàu cá bản địa đánh bắt trong khu vực. Căng thẳng chỉ tạm chấm dứt khi cả 2 nước rút tàu của mình khỏi khu vực tranh chấp vì lý do thời tiết. Một trong những nhân tố tham gia “tích cực” vào vấn đề tranh chấp như vậy chính là Hải giám

Tàu của lực lượng này thường là những tàu lớn, có nhiều dáng dấp của tàu chiến Mỹ hồi những năm đầu thế kỉ 20. Trong đó, tàu lớn nhất của lực lượng này chỉ kém tàu chiến USS Caroline 20m chiều dài. Tuy chỉ được trang bị những loại vũ khí hạng nhẹ, nhưng những chiếc tàu này cũng đủ để đe doa các tàu cá và sẽ rất có tác dụng trong trận chiến chống lại các mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

Tháng 3/2012, báo chí Trung Quốc rầm rộ “khoe” tàu Hải giám đã giám sát thành công những phi vụ khai thác dầu khí trái phép trên vùng biển Hoa Đông, ngoài khơi của quần đảo Senkaku mà nước này tranh chấp với Nhật Bản.

Trước đó, tháng 5/2011, tàu của lực lượng này gây rối với tàu thăm dò địa chất của Việt Nam trên vùng lãnh thổ ngoài khơi Việt Nam.

Tuần trước, The Hindu của Ấn Độ đưa tin một tàu hộ tống INS Shivalik (Foxtrot-47) của Hải quân Ấn Độ rời Philippines đến Hàn Quốc thì nhận được thông điệp từ tàu Trung Quốc rằng: “Chào mừng các bạn đã đến biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi tên biển Đông)”.
Theo bản báo cáo này thì những tàu Trung Quốc này đã “hộ tống” 4 tàu Ấn Độ trong vòng 12 giờ khi họ đang di chuyển trên 1 trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới. “Giọng điệu của thông điệp đó vừa có vẻ chào đón, vừa như có ý nhắc nhở chúng tôi rằng chúng tôi đang đi vào vùng biển của Trung Quốc”, một quan chức đã nói với tờ The Hindu như vậy.

Động thái đầy hung hăng này khiến nhiều quan chức Hải quân Ấn Độ ngạc nhiên bởi sắp tới, cả 2 nước sẽ tiến hành những cuộc đối thoại hải quân lần đầu tiên và sau đó có thể đẩy mạnh hợp tác thông qua những cuộc tập trận chung chống hải tặc tại vùng vịnh Aden, Ấn Độ Dương.
Nhiều chuyên gia thắc mắc rằng rồi chuyện gì sẽ đến sau đây? Với số lượng lớn tàu mới đưa vào sử dụng của hải quân và hải giám, Trung Quốc đã hoạch định những gì cho tương lai?
Theo The Telegraph, đến năm 2015, Hải giám Trung Quốc có khoảng 16 máy bay, 350 tàu mới và đến năm 2020, lực lượng này sẽ được bổ sung thêm khoảng hơn 15.000 người.

Trong những năm tới, lực lượng này sẽ có khả năng tiến hành nhiệm vụ giám sát trên toàn khu vưc biển Đông. Lực lượng này đã theo dõi hải trình của khoảng 1.303 tàu nước ngoài và 214 máy bay trong năm 2010.

Một chuyên gia hải quân Mỹ cho rằng với số lượng 350 tàu, bằng tổng số tàu đang hoạt động của Hải quân Mỹ, Hải giám Trung Quốc sẽ có khả năng theo dõi và hộ tống hầu hết số tàu đi lại trong khu vực”.
theo datviet
 
Top