Sau những sự kiện cán bộ công chức tham nhũng nổi cộm gây bức xúc và nhức nhối trong dư luận, bao giờ công luận cũng lên tiếng về chuyện đã biết từ lâu. Ai cũng biết chỉ có tổ chức hình như không muốn biết!
Đến thời điểm này, công luận cho rằng trả lời của các cơ quan có trách nhiệm về vụ việc bổ nhiệm ở Cục Hàng hải là không thuyết phục. Nhiều vị viện dẫn quy định pháp luật và khẳng định việc bổ nhiệm ấy là đúng quy trình. Thế nhưng quy trình bản thân nó là xơ cứng vô hồn. Người làm công tác nhân sự, công tác tổ chức phải có tố chất, giác quan nhạy cảm,tiên liệu, nhìn con người trong sự phát triển theo 2 xu hướng tốt lên hoặc xấu đi tuy thuộc rất nhiều vào môi trường xung quanh người đó tốt hay xấu, còn nhiều bê bối bất cập...
Phải nhìn nhận rằng môi trường kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, làm trái.Vì thế gần đây Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN và DN nhà nước bỏ vốn đầu tư.
Thật ra công bằng mà nói, công tác cán bộ cũng đã có quy trình, nhưng áp dụng thế nào và đã chặt chẽ chưa, còn kẽ hở hay không thì là câu chuyện dài vẫn còn phải bàn!
Theo điều kiện bổ nhiệm, trình tự bổ nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo được quy định tại điều 6, điều 7 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo (ban hành kèm theo Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg) ngày 19.2.2004 của Thủ tướng Chính phủ. Người được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chung, không bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách đến cách chức. Với nguồn nhân sự từ nơi khác, tập thể lãnh đạo cơ quan phải lấy ý kiến, tìm hiểu và xác minh lý lịch...
Phải nhìn nhận rằng môi trường kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng |
Theo quy trình bổ nhiệm cán bộ, khi bổ nhiệm một chức vụ mới, khâu thẩm tra lý lịch, kiểm điểm nhận xét quá trình công tác là điều phải làm.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay có nêu ra: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc". Quả đúng như vậy - Tư duy về công tác nhân sự chậm đổi mới và chỉ đạo thực hiện chưa tốt. Công tác cán bộ chưa tốt còn nhiều yếu kém là do công tác tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm đề bạt chưa thật sự công khai, dân chủ, chưa lắng nghe hết ý kiến của quần chúng, việc thực hiện các quy trình đề bạt hình thức, lấy lệ...
Như trường hợp ông Dương Chí Dũng, ông này nhận công tác tại Tổng công ty Hàng hải từ tháng 8/2005 với cương vị Tổng giám đốc. Trong thời gian nêu trên, theo Thanh tra Chính phủ, Vinalines đã mắc nhiều sai phạm, trong đó tập trung vào 4 vấn đề: mua nhiều tàu cũ, để xảy ra nhiều vụ bắt tàu gây thiệt hại lớn, đầu tư xây dựng vội vàng - ngoài quy hoạch và đầu tư tài chính sai nguyên tắc.
Cũng nên nhắc lại, trước khi lãnh đạo Vinalines, ông Dũng từng quản lý Tổng Cty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco) - một đơn vị từng thua lỗ nặng. Sau đó, ông Dũng chuyển sang làm Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines). Công ty dưới thời ông Dương Chí Dũng hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, thất thoát vốn nhà nước.
Đáng lưu ý, không chỉ riêng ông Dương Chí Dũng, ông Mai Văn Phúc, nguyên tổng giám đốc Vinalines - người cũng chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm về mua, bán, cho thuê đội tàu, đầu tư cảng, đầu tư tài chính dài hạn..., sau khi "hạ cánh" khỏi Vinalines đã được điều chuyển về làm trợ lý cho ông Hồ Nghĩa Dũng, bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ 2006 - 2010, sau đó được bổ nhiệm làm vụ phó vụ Vận tải, bộ GTVT.
Nhớ lại Vụ án xã hội đen Năm Cam có không ít cán bộ cao cấp vướng vào vòng lao lý do bị tiền bạc của Năm Cam "cầm tù". Thời gian ấy báo chí rộ lên các thông tin về quá khứ không lấy gì làm tốt đẹp ai cũng biết của các vị này trước khi được đề bạt lên vị trí cao vào cơ quan lãnh đạo.
Cũng như qua vụ cá độ bóng đá lên đến cả triệu USD trước đây của ông Tổng Giám đốc PMU-18 và các quan chức khác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Báo chí lại đăng lại như dư luận trong nhân dân và cán bộ công chức trong Bộ "ai cũng biết chỉ tổ chức không biết" về thành tích ăn chơi đốt tiền hơn cả công tử Bạc Liêu của các vị này, tiền của ngồn ngộn, đất đai nhà cửa dinh thự bạc tỷ đập vào mắt mọi người chỉ có tổ chức không biết nên không đối chiếu với bản kê khai tài sản trước khi đề bạt... Bởi thế các lãnh đạo nhất mực: "Không ngờ, không biết", Trong những trường hợp như vậy "chốt đã sang sông" không thể lui được, sẽ vào cung phá "tướng" hại biết chừng nào?
Điều đáng nói ở đây, có hay chăng khi có một ai đó vào "tầm ngắm" (diện quy hoạch) thì coi như đã lọt vào "mắt xanh" của lãnh đạo cấp cao thì bằng mọi giá tổ chức có nhiệm vụ "bảo vệ phe ta", đặt lên đường ray đẩy đến đích.
Cũng không loại trừ khả năng trong "mê hồn trận bôi trơn" lâu nay thì cũng khó tránh "đút lót để mua chức", cùng hội cùng thuyền trong nhóm lợi ích.
Thử nghĩ, nếu có một kẻ nào đó chạy được vào một vị trí cao, thì lập tức hình thành ở bên dưới những đường dây noi gương, chúng phát triển như một thứ bệnh dịch lây lan rất nhanh. Đến lúc này kẻ trước kia đi đút lót lại là người ban phát.
Phải nói rằng, đến một lúc nào đó tự nhiên sẽ hình thành một cơ chế bảo vệ thành quả thu được. Đấy là một sự ràng buộc ngầm tự giác theo hệ thống dọc và ngang rất vững chắc, hiệu quả, rất khó phát hiện, mà nếu có phát hiện không dễ gì xử lý được.
Thật đáng buồn, sau những sự kiện cán bộ công chức tham nhũng nổi cộm gây bức xúc và nhức nhối trong dư luận, bao giờ công luận cũng lên tiếng về chuyện đã biết từ lâu về tư cách đạo đức không lấy gì tốt lành của đương sự?! Ai cũng biết chỉ có tổ chức hình như không muốn biết!
Để khắc phục tình trạng trên, cần"...Quy định trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ".
Đảng viên và nhân dân giám sát công tác cán bộ là một việc làm khó, có lẽ chưa có tiền lệ. Đảng viên và nhân dân hầu như chưa quen và chưa có điều kiện làm quen. Muốn làm tốt, trước mắt không có gì hơn phải sớm ban hành cơ chế giám sát khả thi, thiết thực, không hình thức, thật sự cầu thị, chia sẻ, thật sự dân chủ, lắng nghe...
Thú thật những vụ việc vừa qua ở chỗ này chỗ kia đảng viên và nhân dân khó lòng giám sát cán bộ lãnh đạo. Nhân dân, cán bộ công chức biết nhưng nói với ai, ai nghe, ai xử lý và cuối cùng ai bảo vệ họ!?
Chúng ta có biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng tích cực, có hệ thống pháp luật quy định chặt chẽ, có sự giám sát thật sự của quần chúng, nếu kết hợp tốt "ba mũi giáp công" này, nhất định sẽ sàng lọc tốt, giảm đi nhiều "những chuyện ai cũng biết chỉ tổ chức không biết" trong công tác đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, không để cảnh "con voi chui qua lỗ kim". Và trên hết "đừng để mất bò mới lo làm chuồng", phải xử nghiêm những khuyết tật dù đó là ai.