Theo kế hoạch, vào lúc 5 giờ 13 phút ngày 16.5 này (giờ Việt Nam), vệ tinh VINASAT-2 sẽ được đưa lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông từ bãi phóng Kouru (Guyana, Nam Mỹ). Sự kiện này tiếp tục ghi dấu một bước tiến mới của VN trong việc tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng viễn thông quốc gia.
Ra đời nhanh hơn mong đợi
Ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết ngay sau khi VINASAT-1 được đưa lên quỹ đạo thành công (2008), nhiều phóng viên cũng đã hỏi khi nào VN sẽ tiếp tục có VINASAT-2? Lúc đó chính VNPT cũng khó xác định chính xác thời điểm sẽ triển khai VINASAT-2, ông Đức nhớ lại.
Chỉ sau một thời gian ngắn sau khi khai thác, VINASAT-1 đã chứng minh được hiệu quả to lớn. Đến thời điểm hiện tại, 90% dung lượng VINASAT-1 đã được sử dụng và đang đảm bảo cung cấp các dịch vụ truyền hình, truyền dữ liệu, truyền dẫn, thoại và Internet…
Không chỉ phục vụ thiết thực cho các yêu cầu về công ích, phát triển kinh tế – xã hội, VINASAT-1 cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai và an ninh quốc phòng của đất nước.
“Đây là cơ sở để VNPT nhanh chóng xây dựng Dự án phóng vệ tinh VINASAT-2”, ông Phan Hoàng Đức nói.
Ngoài lý do hiệu quả, khả năng làm chủ công nghệ của VN đối với việc vận hành, khai thác vệ tinh cũng là yếu tố quan trọng làm cơ sở cho việc dự án VINASAT-2 đã được triển khai nhanh chóng.
Tháng 10.2009, VNPT trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Phóng vệ tinh VINASAT-2”. Tháng 12.2009, Thủ tướng đã có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương và VNPT đã tiếp tục được giao làm chủ đầu tư, triển khai dự án.
Tháng 5.2010 VNPT ký gói thầu tư vấn giám sát sản xuất, cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng, thiết bị trạm điều khiển vệ tinh, tiếp đó là gói thầu cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng, thiết bị trạm điều khiển.
Gần nhất vào 17.3.2012 hợp đồng Bảo hiểm vệ tinh VINASAT-2 với tổng trị giá 4.700 tỉ đồng đã được ký kết. Dự kiến đến giữa 7.2012, VINASAT-2 sẽ chính thức được khai thác thương mại.
Theo ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT, đến thời điểm hiện tại mọi hạng mục công việc để VINASAT-2 đi vào quỹ đạo đã hoàn tất.
Người Việt đã thực sự làm chủ công nghệ tiên tiến
Theo ông Thống, trong suốt 4 năm hoạt động chưa từng xảy ra bất cứ một lỗi kỹ thuật nào xảy ra đối với VINASAT-1. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi toàn bộ qui trình vận hành, khai thác đều do các kỹ sư VN thực hiện.
Trong thời gian qua, song song với việc vận hành VINASAT-1, VNPT đã tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, triển khai thiết bị mặt đất cho việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh VINASAT-2.
Hiện tại, để “lái” Vinasat-1, luôn có khoảng 20 cán bộ túc trực tại trung tâm điều khiển. Và để chuẩn bị cho vệ tinh Vinasat-2, đã có thêm khoảng 10 kỹ sư được tăng cường. Theo ông Thống, về cơ bản số nhân lực trên có thể đáp ứng yêu cầu để điều khiển cả 2 quả vệ tinh. Với kinh nghiệm vận hành VINASAT-1 và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đại diện VNPT khẳng định chắc chắn rằng đội ngũ kỹ sư VN sẽ vận hành tốt 2 quả vệ tinh.
Theo Trưởng Đài Điều khiển vệ tinh Hoàng Phúc Thắng, VINASAT-2 có cấu trúc và thiết kế tương đối giống so với VINASAT-1, cùng do Lockheed Martin sản xuất. Đây sẽ là thuận lợi rất lớn để đội ngũ cán bộ kỹ thuật của VN có thể nhanh chóng tiếp cận và làm chủ việc vận hành, khai thác và quản lý vệ tinh này. (Tr.Sơn)
Vệ tinh VINASAT-2 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku, VINASAT-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của VINASAT-2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.
Tổng mức đầu tư cho VINASAT-2 là khoảng 280 triệu USD, trong đó 20% là vốn của VNPT, 80% là vốn vay, dự kiến thời gian thu hồi vốn trong 10 năm. VINASAT-2 sẽ cùng VINASAT-1 tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro, góp phần đảm bảo độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ đồng thời tăng cường độ an toàn cho mạng viễn thông quốc gia.