“Đánh” và “đàm” là sách lược Trung Quốc đang  áp dụng trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Sau những lời thách thức dư luận, giờ đây Trung Quốc đang dùng 3 bước đi quan trọng đầu tiên để xoa dịu ASEAN…
Bước đi đầu tiên
Trung Quốc và Thái Lan cùng tập trận chung. Vừa qua từ ngày 9 đến 29/5/2012, hải quân 2 nước Trung Quốc và Thái Lan đã tiến hành tập trận chung tại hai thành phố Trạm Giang và Sơn Vĩ, tỉnh Quảng Đông.
Hình ảnh cuộc tập trận chung giữa Thái Lan và Trung Quốc vào những ngày cuối tháng 5/2012
Theo Tân Hoa xã, cuộc tập trận mang tên Biệt kích xanh 2012 được tiến hành dựa theo một thỏa thuận được ký kết trước đó giữa hai nước. Thông qua cuộc tập trận này, lực lượng hải quân hai nước sẽ có cơ hội thực hành các kỹ năng chống khủng bố và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong khi căng thẳng giữa Trung Quốc và những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang dâng cao, khiến nhiều người nghĩ tới việc phải chăng Trung Quốc đang “lợi dụng” Thái Lan để làm giảm sự đoàn kết trong nội khối ASEAN.
Thực ra điều này lại chứng tỏ một điều hoàn toàn ngược lại, theo nhận định của chuyên gia quân sự Indonesia thì việc làm trên của Trung Quốc có thể xem là hành động xuống thang của nước này trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
Bởi suy cho cùng nếu tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng như hiện nay thì rõ ràng điều bất lợi sẽ thuộc về Trung Quốc, một khi các quốc gia ASEAN cùng chung một chiến hào thì chưa cần tới sự giúp đỡ từ bên ngoài Bắc Kinh cũng đã phải đau đầu tìm phương kế ứng phó.
Lôi kéo và lợi dụng chính là điều Bắc Kinh cần và cũng rất muốn triển khai vào lúc này. Một khi đã lôi kéo và bắt tay hợp tác với một vài quốc gia có tiếng nói trong khu vực Đông Nam Á thì Trung Quốc sẽ phần nào yên tâm hơn.
Có thể cuộc tập trận vừa qua giữa Thái Lan và Trung Quốc chỉ là một cuộc tập trận thường niên nhưng đằng sau cái vỏ bọc đó là “mưu đồ” chính trị của Bắc Kinh nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng trên biển Đông. Để Biển Đông chỉ còn là câu chuyện nội bộ giữa Trung Quốc và ASEAN…
Bước đi thứ 2
Trung Quốc viện trợ 19 triệu USD cho Campuchia để giảm căng thẳng Biển Đông. Có lẽ, Trung Quốc sẽ không bao giờ hào phóng đến mức tự nhiên cho không Campuchia 19 triệu USD, lại còn đưa học viên sĩ quan nước này qua Trung Quốc đào tạo giúp, vậy đổi lại Bắc Kinh sẽ được cái gì đằng sau khoản viện trợ khá lớn này?
Trung Quốc ký kết hiệp ước hợp tác quân sự và viện trợ cho Campuchia
Trung Quốc ký kết hiệp ước hợp tác quân sự và viện trợ cho Campuchia
Lễ ký kết hiệp định hợp tác quân sự giữa ông Lương Quang Liệt với người đồng nhiệm Campuchia, Đại tướng Tea Banh được diễn ra rất nhanh chóng. Có thể thấy trong chuyến công du Campuchia lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã có chủ ý rõ ràng.
Việc Trung Quốc viện trợ cho Campuchia chính là cách Bắc Kinh gửi thông điệp cứng rắn nếu không muốn nói là “dằn mặt” Philippines cũng như “cảnh báo” các bên liên quan còn lại trong khối ASEAN về cái gọi là “không được làm phức tạp tình hình trên Biển Đông” vì lo ngại các thành viên ASEAN “sẽ kết thành một khối” đối phó lại Trung Quốc.
Hơn thế nữa điều Bắc Kinh lo ngại hơn cả là nếu không cho “quyền lợi” và “cảnh cáo”, thì các nước thành viên ASEAN có thể ngả theo quan điểm của Mỹ và các bên thứ 3. Việc bỏ ra chút lợi ích kinh tế có thể mang lại cho Trung Quốc 2 cái lợi là sự “ủng hộ” và sự “cân nhắc” trong nội bộ Asean.
Vậy là Trung Quốc đang tìm mọi cách để chia rẽ Asean, không dùng vũ khí tối tân, chỉ cần đưa ra những lợi ích kinh tế phù hợp Bắc Kinh hy vọng sẽ mang lại hiệu quả to lớn. Ý đồ Trung Quốc đã rõ, bước đi chiến lược thứ 2 này của Bắc Kinh đã thể hiện rõ mưu đồ bá chủ của quốc gia này.
Bước đi thứ 3
Khuyến khích Pakistan bán máy bay “Thần Sấm” FC1 cho Indonesia. Thực ra, loại tiêm kích này do chính Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển. Theo hãng Antara, các quan chức Bộ Quốc phòng Indonesia, trong đó có Tư lệnh Không quân Indonesia, tướng Imam Sufaat mới đây đã thăm Pakistan và tìm hiểu cơ sở sản xuất máy bay này.
Nắm bắt được thông tin này, ngay lập tức Trung Quốc đã bắn tín hiệu sang cho Pakistan đề nghị cung cấp loại máy bay tiêm kích này. Nếu ký được hợp đồng mua bán FC1, hợp đồng sẽ bao gồm việc chuyển giao công nghệ và tổ chức sản xuất máy bay theo giấy phép tại Indonesia trên cơ sở hiệp định hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng ký năm 2010.
Văn kiện này trù tính khả năng hợp tác sản xuất các loại vũ khí Pakistan, một số trong đó do Trung Quốc phát triển. Tháng 2/2012, Trung Quốc và Pakistan dự định xuất khẩu đến 300 chiếc FC1 trong vòng 5 năm tới sang các thị trường châu Phi, châu Á và Cận Đông.
Hơn bao giờ hết, trong lúc này Trung Quốc rất mong muốn cung cấp máy bay của mình sản xuất cho Indonesia thông qua Pakistan vì 2 cái lợi. Thứ nhất, Bắc Kinh có thể nắm vững thông tin về những loại vũ khí hàng đầu của quốc gia vạn đảo này.
Điều thứ 2 là thông qua hợp đồng trao đổi vũ khí Trung Quốc sẽ khiến Indonesia phải lệ thuộc vào mình nhiều hơn, qua đó dễ dàng điều phối lập trường của Jakarta trong vấn đề Biển Đông.
ASEAN vẫn tỉnh táo đối phó Trung Quốc
Dường như đã nhìn rất rõ ý đồ của Trung Quốc khống chế ASEAN về vấn đề Biển Đông thông qua các nước không có tranh chấp trực tiếp như Campuchia, Thái Lan, Indonesia.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Phó Tổng thống Philippines, Jejomar Binay thống nhất kêu gọi 4 quốc gia thành viên Asean có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là Philippines, Malaysia, Việt Nam và Brunei nên nhóm họp riêng với nhau để bàn bạc làm thế nào giải quyết bế tắc sau sự kiện căng thẳng trên bãi Scarborough.
Sự đoàn kết giữa các nước nhỏ trong khối ASEAN, đặc biệt là 4 quốc gia có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc thời điểm này cần thiết, nếu để Trung Quốc “bẻ từng chiếc đũa” như một số “học giả” Trung Quốc vẫn nói đến thì nguy cơ đề Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông chỉ còn là vấn đề sớm muộn.
Khi ASEAN, hoặc chí ít là 4 nước đoàn kết lại, thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp qua đàm phán hòa bình, cơ chế đa phương hoặc đưa ra trọng tài quốc tế cộng với sự tham gia can thiệp của Mỹ và các nước thứ 3 khác có lợi ích trên Biển Đông sẽ góp phần hạn chế tối đa sự leo thang, chiếm quyền kiểm soát trên Biển Đông như những gì đã xảy ra trên bãi Scarborough.
Trong một động thái khác giới chức quân đội Indonesia sẽ không chấp nhận đề xuất bán FC1 của Trung Quốc và Pakistan. Bởi Jakarta có thể coi hợp đồng mua “thần sấm” là cực kỳ rủi ro vì những vấn đề tồn tại với Trung Quốc liên quan đến các hòn đảo tranh chấp. Điều này khiến cho “mưu đồ” dùng “diễn biến hòa bình” của Trung Quốc để độc chiếm Biển Đông bước đầu đã bị phá sản…
Thái Yên (Tổng hợp từ Tân hoa xã, GDVN)
 
Top